Tạ Ơn

Câu chuyện tôi sẽ kể bắt đầu từ những điều rất giản đơn, pha lẫn chút cảm giác bình thường của nhịp sống hằng ngày. Thế nhưng, kỳ diệu thay chính cái tầm thường ấy lại được nhận lãnh cái vinh dự do chính Đấng Tạo Hóa ân cần thêu dệt nên. Bởi vậy, câu chuyện nếu không đẹp và ý nghĩa bởi chính nó thì cũng sẽ mang một vẻ đẹp và ý nghĩa lạ thường do chính Đấng làm ra nó. Và, trong câu chuyện này tôi cũng xin đóng góp một phần công sức nhỏ bé để làm phong phú hơn cuộc sống mà chính Đấng Tạo Hóa muốn tôi góp phần mình vào.

Khi cái đầu nhỏ bé của tôi bắt đầu giữ lại được những kí ức thì hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi là những buổi chiều mỗi ngày, bố mẹ hay gửi gắm tôi cho bà nội, để bà dẫn tôi đến một ngôi nhà mà người ta gọi là Nhà Thờ. Nhưng tôi lại chẳng nhớ được mình đã làm những gì ở nơi ấy. Khi lớn lên, tôi có thể tự mình đi lễ mà không cần có ai đó đưa đi, nhưng tôi lại chẳng muốn đi nữa. Nghĩ lại thì động lực duy nhất khiến tôi đến Nhà Thờ lúc ấy có lẽ là những tiếng réo gọi của bố mẹ: “Ly ơi! đi lễ”. Tiếng nói ấy cứ văng vẳng bên tai đến khi tôi đi thì mới thôi. Ngày ấy tôi cũng rất thích những bộ phim kiếm hiệp. Tôi rất thích hình ảnh những anh hùng trong phim, họ rất tự do tự tại, chỉ với một “tay nải quả mướp” đi “ngũ hiệp trừ yêu”. Cuộc đời của những người đi tu mô phỏng cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, tôi thấy cũng giống như những hiệp sĩ ấy. Thói quen đạo đức do bị ép buộc mỗi chiều phải đi lễ và hình ảnh đẹp của những anh hùng trong phim có lẽ là nguyên nhân đầu tiên khiến tôi suy nghĩ về đời tu.

Tôi chẳng biết đến một khái niệm nào về hai từ Dòng Tu. Cho đến một hôm, một người bạn cùng lớp học của tôi muốn đi tu, bạn dẫn tôi cùng đi tìm hiểu một Nhà Dòng mà bạn biết. Sau khi tìm hiểu, bạn đổi ý muốn chuyển sang một Dòng khác. Còn tôi chỉ có một suy nghĩ là đi tu, nên tu Dòng nào đối với tôi không quan trọng, suy nghĩ ấy đến giờ vẫn không thay đổi. Nhưng thật ra thì ngày ấy, tôi cũng không biết là có nhiều Dòng Tu đến thế. Ngày mẹ biết tôi có ý định đi tu, mẹ chỉ nói một câu “mày mà tu tác cái gì”. Lý do mẹ nói câu đó là vì tôi rất “dữ tợn”, không hiền ngoan như chị tôi. Nhưng có lẽ vì tôi vẫn giữ nguyên ý định ấy đến năm lớp 12, nên mẹ đã suy nghĩ và cho tôi đi. Khi quyết định đi tu, tôi đã nghỉ học ngành Sư phạm để thi vào ngành Dược. Mẹ dẫn tôi lên Sài Gòn đi thi rồi đưa tôi vào Nhà Dòng luôn. Hai mẹ con tôi đã đi lộn vào cộng đoàn Mai Hương thay vì Nhà Chính ở Thủ Đức. Tôi chính thức bước vào Dòng ngày 20 tháng 11 năm 2008. Lúc đó, Dì Maria Nguyễn Thị Kim Oanh là Dì Giáo Thanh tuyển và Dì Maria Lê Thị Hương phụ tá. Những ngày đầu trong Nhà Dòng, tôi thấy nhớ nhà kinh khủng nhưng thật lạ là tôi không có ý nghĩ muốn về, và thay vào nỗi nhớ ấy là những niềm vui mới bên các Dì Giáo và chị em. Tuy đã lớn rồi nhưng tôi vẫn thích được quan tâm và thấy ấm lòng khi cảm nhận được tình yêu thương mọi người dành cho nhau. Có một ngày tôi phải học hai buổi, Chị Giáo hỏi tôi mang cơm đi học chưa và đưa cho tôi thêm một quả lê rất ngon. Rồi một buổi chiều đang trên đường đi học về thì xe buýt bị hư, mà trời lại mưa, tôi và một người bạn phải đi bộ về; khi về tới nhà thì người tôi ướt đẫm, Dì Giáo và chị em thấy tôi như thế thì cuống cuồng hỏi thăm. Những ngày hè được nghỉ học, chị em chúng tôi được phân công người dạy học, người thì phụ bếp. Buổi tối, chúng tôi học những môn học trong chương trình huấn luyện. Một ngày kia khi đang đùa với các chị em, các chị khiêng tôi nhốt vào một cái thùng mang đến phòng Dì Giáo, rồi nói là có người gửi đồ cho Dì. Dì mở ra, không nói lời nào, Dì liền chạy vô lấy máy chụp cho chúng tôi một tấm hình kỷ niệm dễ thương của thời Thanh tuyển.

Bước sang giai đoạn Thử viện, nhóm chúng tôi có mười sáu chị em. Chúng tôi không đi học ở ngoài nữa nhưng vẫn tiếp tục học những môn học trong chương trình huấn luyện. Chị em chúng tôi được phân công một nửa dạy học, một nửa giúp làm bếp. Điều làm tôi thích nhất là những buổi tối khi đã tạm gác hết những công việc qua một bên, chúng tôi được Dì Giáo cho phép ngồi lại với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm sống, cũng như có những lời góp ý rất chân thành và thẳng thắn dành cho nhau. Những buổi họp như thế giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, tôn trọng và quý mến nhau trong sự khác biệt riêng của mỗi người. Hình ảnh các Dì Giáo khiến tôi cũng rất thích và cũng là những tấm gương cho tôi: trong những việc cần sự nghiêm túc các Dì rất nghiêm túc, khi chơi thì cũng chơi hết mình.

Bước qua giai đoạn Tập viện, lớp chúng tôi chỉ còn 14 người. Nhiều người nói lớp chúng tôi tuổi trẻ mà nhìn mặt lớn quá. Năm Tập “ngặt”, chúng tôi không được ra ngoài, chỉ làm những công việc trong Nhà Dòng, tiếp tục học những môn học của giai đoạn Tập viện, và chuyên chăm cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện giúp chúng tôi lớn lên mạnh mẽ hơn rất nhiều trong hành trình ơn gọi. Việc học tập và cầu nguyện chung với chị em giúp tôi thấy được giá trị của sự hiệp nhất, yêu thương là đáng quý biết bao. Năm Tập hai, chị em chúng tôi chia tay nhau đi tông đồ, tôi tích lũy được những bài học lớn lao hơn. Làm bánh lễ, đánh đàn, cắm hoa nhà thờ, làm vườn… tôi đã thật cố gắng để chu toàn tất cả trong khả năng Chúa ban với sự nâng đỡ của các Dì trong cộng đoàn. Dù có hơi mệt trong công việc nhưng tôi thấy hạnh phúc vì cảm được nguồn động lực rất lớn bởi ơn Chúa và tình yêu thương của chị em. Điều đó giúp tôi càng hăng hái hơn. Việc thực tập tông đồ của chúng tôi được hoàn tất vào mùa xuân, chị em chúng tôi lại được về ở chung với nhau thêm mấy tháng nữa, tôi rất hạnh phúc khi được về với chị em.

Bước qua giai đoạn Học viện, lớp chúng tôi chỉ còn lại mười ba người. Một nửa lớp chúng tôi đi học, nửa còn lại thì đi tông đồ. Tôi đi tông đồ ở Đà Lạt hai năm, một năm giúp bếp và một năm phụ lớp. Năm thứ hai tôi cùng các Dì dậy Giáo lý tại Giáo xứ. Tôi học được nhiều kinh nghiệm trong những công việc được giao cũng như trong đời sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn, tôi có cảm thức thuộc về khi mình hết lòng vì cộng đoàn và cộng đoàn cũng mở lòng yêu thương mình khi cuộc sống bình an cũng như không được bình an. Kết thúc hai năm tông đồ, tôi về học Thần học tại Học viện Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá trong ba năm. Hai năm đầu tôi ở nhóm nhỏ Mai Ân cùng với các chị em học viên. Chúng tôi được tự quản trong nhiều việc, nhờ vậy mà tôi làm quen với cách sống tự lập, cách sống hài hòa với những chị em cùng độ tuổi. Nửa năm học thứ ba, chúng tôi chuyển về Phú Bình – tại nhà Học viện dành cho các chị em khấn tạm đi học Thần học. Cảm giác không quá mới lạ đối với tôi vì chúng tôi đã từng sống chung trong những giai đoạn khác, có khác chăng là một nơi chốn khác không phải Nhà Mẹ ở Thủ Đức. Tôi cũng không quá bất ngờ khi những ngày bắt đầu cuộc sống chung mới có đôi chút khó khăn, vì ai cũng biết, những ngày đầu nên mọi sự chưa đi vào nề nếp ngay được. Đối với tôi, nơi đâu cũng là nhà và ai cũng là chị em. Suy nghĩ đó khiến tôi bình an. Điều quan trọng hơn nữa là trong mọi việc tôi luôn cần có Chúa đồng hành.

Nhìn lại chặng đường đã qua, không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn, có những lúc hạnh phúc và có những lúc đau khổ nhưng vì là cuộc sống tôi đã tự mình chọn lấy nên tôi mong mình sẽ sống hạnh phúc. Không chỉ là mong muốn, nhưng bản thân tôi phải cố gắng từng ngày để làm cho nó hạnh phúc vì thật sự bản chất cuộc sống chúng ta đang sống là đi tìm chính Chúa, nguồn hạnh phúc đích thật. Cố gắng sống tốt giây phút hiện tại để có thể mơ về tương lai và nhìn về quá khứ với niềm biết ơn vô vàn.

Maria Trần Thị Trúc Ly

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *