Thời gian như ngừng trôi…
Nhịp sống chậm hẳn lại…
Thế giới thu hẹp trong bốn bức tường…
Tương lai hóa vô định…
Kiếp người bỗng vắn vỏi…
Hy vọng bớt xanh…
Lòng người hóa chật chội…
Tình liên đới dường như bị cắt đứt…
Thiên Chúa như say ngủ…
Hoang mang ngập lối về…
…
Thoạt nghe tưởng chừng như trích đoạn của một vở bi kịch nào đó xa xôi, mơ hồ. Nhưng thực ra, đó là điều con ghi nhận qua quá nhiều biến động trên thế giới: dịch bệnh, thiên tai, biểu tình, bạo động, chiến trang, tự tử, đặc biệt qua những tháng giãn cách xã hội vì đại dịch Covid. Thời điểm này con có dịp chăm sóc một sơ trong một nhà dòng nọ ở bên Mỹ đang phải cách ly do nhiễm virus Corona. Sau khi nghe sơ trải lòng con đã viết xuống những dòng tâm tư này với ước muốn san sẻ gánh nặng tinh thần của sơ Holy Hope (tên con đặt cho sơ). Qua đó, con cũng muốn bồi dưỡng thêm niềm hy vọng của bản thân trước những điều đã và đang diễn ra ngoài ý muốn và vượt quá trí hiểu hạn hẹp của mình.
Khác với các sơ đã bị nhiễm Covid trước đó không lâu, Sơ Holy Hope không bị sốt, khó thở, ho khan, nhưng lại bị một triệu chứng mới, đó là mê sảng, lẫn lộn. Điều lạ là sơ không nhầm lẫn về những thách đố có thật trong Nhà Dòng của sơ lúc bấy giờ. Vì thế mà trong vô vàn những chới với của sự cô quạnh, u mê của tâm trí, sơ vẫn ray rắt với lắng lo cho tương lai của Hội Dòng, cho đời sống thiêng liêng, mục vụ của chị em khi không còn ơn gọi trẻ; nhất là, sơ lo cho những ngày cuối đời của bản thân với nỗi ám ảnh sẽ bị gởi vào viện dưỡng lão. Để rồi Sơ đặt ra cho con hàng chục câu hỏi mà sơ biết rất rõ là con không thể trả lời. Bàng hoàng, sơ kết luận: “Không có niềm hy vọng nào cho tương lai của Nhà Dòng này!!!”
Con tự hỏi “hy vọng” mà sơ nói tới là niềm hy vọng nào? Hy vọng ấy là gì mà một khi đánh mất thì ngay cả một nữ tu sống đời chiêm niệm hơn 70 năm lại có thể chao đảo đến vậy? Phải chăng hơn tám tháng cách ly xã hội, hai tháng giãn cách cộng đoàn, hai tuần cách ly cá nhân, hay do di chứng của virus Corona khiến sơ đứng bên bờ của tuyệt vọng? Chẳng lẽ vì “gối mỏi chân chồn” mà thất vọng có thể xâm lấn trí – lòng người dễ dàng và khủng khiếp đến vậy? Phải chăng sơ là người duy nhất đau đáu tìm kiếm niềm hy vọng? Có nỗi thất vọng nào ẩn tàng trong lòng con ngay lúc này? Lối đường nào giúp con tiếp tục vẽ bức tranh cuộc đời với những gam màu của hy vọng?
Con đem những ưu tư ấy vào trong chiêm niệm, ngày qua ngày. Con cũng tìm hiểu xem người ta nói gì về hy vọng. Thế rồi, tình cờ con đọc được một bài luận văn tốt nghiệp khối triết của thầy Nguyễn Phước Bảo Ân, S.J., được đăng tải trên Website của Học Viện Dòng Tên. Bài viết luận bàn về Hy Vọng Trong Chiều Kích Siêu Hình Của Nó Theo Gabriel Marcel (1889-1973), một nhà triết học hiện sinh vô thần nhưng đã trở lại đạo Công giáo vào tuổi 40.
Đầu tiên, tác giả bài viết khởi đi từ bối cảnh sống của nhà triết học lỗi lạc này để hiểu chiếc nôi ra đời của những suy tư sâu sắc và mang tính siêu hình của ông về niềm hy vọng trong tác phẩm Homo Viator (1962). Thật thế, do đau đáu trước sức ảnh hưởng của công nghệ hiện đại đã và đang dần biến con người thành những “cỗ máy” cứng nhắc, “ngại suy tư” và dần mất đi định hướng cuộc đời, Marcel đã dùng khối óc tinh tế, trái tim ấm nóng của mình chứng minh rằng hiện hữu thì quan trọng hơn chiếm hữu, vươn đến niềm hy vọng Siêu Hình sẽ cho con người câu trả lời cho nguồn gốc và đích điểm hiện hữu của bản thân. Sống là cho đi chứ không tìm tích lũy. Đặc biệt, trong khi vươn đến chân trời Siêu Việt ấy, con người không ích kỷ, kiêu ngạo độc bước, nhưng là khiêm tốn liên đới với tha nhân trong một niềm hy vọng tinh ròng.
Tác giả bài viết cũng lý giải tại sao Marcel lại chủ trương: “chỉ những ai chịu ở lại trong nghịch cảnh mới có hy vọng?” Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng suy cho sâu, ta sẽ thấy lý luận này tương đồng với lời của Thánh Phaolô: “Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ (Rm 8, 24-25). Thật vậy, nỗi thống khổ và những trớ trêu của cuộc đời không bao giờ có thể hủy diệt ngọn lửa hy vọng trong tâm hồn những người vừa luôn sống triển nở giây phút hiện tại vừa hướng về vĩnh cửu.
Thời nào cũng có những thách đố. Nếu viện dẫn vào những cái cớ ấy để đầu hàng và đánh mất niềm vui tự tại, thì quả là con người đang tìm chiếm đoạt chứ không bồi đắp và sống đến viên mãn hồng ân hiện hữu của mình và của người khác. Tác giả bài viết cũng chỉ ra thách đố của con người thời nay, rất tự hào về khối óc, về khối lượng cũng như chất lượng các sản phẩm do mình làm ra. Bởi thế, họ không còn nhu cầu trông cậy vào một Đấng Siêu Việt. Đời hóa thực dụng và tương đối. No thỏa xác thịt được đồng hóa với thành toàn.
Như thế ta có thể thấy con người dường như hữu lý khi viện dẫn vạn lý do để ngừng hy vọng. Nhưng tất cả đều là ngụy biện hoặc lầm lạc, vì Đấng mà Marcel gọi là Hữu Thể Vô Hạn, sau này ông gọi là Ngài (Thou/Thee) luôn bảo đảm cho những điều ta hy vọng nếu ta “bền chí đến cùng” (Rm 8, 25b). Có thể ta sẽ đặt câu hỏi: Làm sao tôi, một hữu thế hữu hạn, chịu chi phối bởi các yếu tố chính trị, xã hội, văn hoá có thể giữ mãi lửa hy vọng ấy? Làm sao tôi biết niềm hy vọng mình đang ôm ấp trong lòng là niềm hy vọng đích thực?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài Giáo lý thứ 80 – Bảo Chứng Của Hy Vọng Cánh Chung, chia sẻ tại quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư, 3/7/1991, đã chỉ rõ: Niềm hy vọng Kitô giáo là một trong ba nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến). Đây là một ân ban của Chúa Thánh Thần và bảo đảm cho những người đang lữ hành về nhà Cha. Niềm hy vọng ấy giúp con người “tiến vào bên trong, vượt bức màn chắn” (Dt, 6,19) để sống chiều kích cánh chung trong từng hơi thở của mình. Tự sức riêng ta sẽ bị bão tố cuộc đời đánh tan tơi bời, nhưng như Thánh Phaolô quả quyết: “Niềm hy vọng không làm cho chúng ta bị thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Nhờ đó, lòng ta luôn “tràn đày niềm hy vọng của Thánh Thần” (Rm 5, 13). Đây chính là căn tính của niềm hy vọng Kitô giáo.
Hẳn vẫn có những tiếng thở dài ngao ngán đâu đó xung quanh con và trong chính lòng con, nhưng đời là một hành trình hy vọng để đạt được niềm Hy Vọng trường tồn. Ai bền chí đến cùng người ấy sẽ chiếm được phần thưởng không hư hoại đó. Xin Đấng là lẽ sống và là bảo đảm cho tất cả mọi điều con hy vọng luôn đồng hành cùng con ngay giữa đêm tối của cuộc đời.
Fidei